Tết đến, dâu Tây hãi, dâu Ta sợ

“Trăm dâu đổ đầu tằm”, trăm thứ việc, nỗi lo đều đổ lên các nàng dâu. Và cứ mỗi độ Tết đến xuân về dâu cũ, dâu

Dâu tây sợ Tết Việt

Hồi mới sang Việt Nam, Jenifer rất hào hứng đón Tết. Cô thích thú đi khắp phố phường nhìn ngắm các gia đình trang trí nhà cửa, hoa, đèn lồng, câu đối đỏ… Còn các con phố thì ngập tràn màu đỏ rực của lá cờ tổ quốc, mọi người thì tấp nập đi mua sắm. Năm đó, Jenifer đã ăn Tết cùng gia đình một người bạn, cô cảm nhận được không khí gia đình, thấy vui vì mọi người quây quần, ai cũng tay bắt mặt mừng, chia sẻ với nhau mọi điều trong năm mới đến. Hồi đó Jenifer thực sự ấn tượng và thích thú với những ngày Tết ở Việt Nam.

Thế nhưng khi đã trở thành một nàng dâu Việt, cô lại thấy chán ngán khi nghĩ cảnh Tết đến. Nhớ lại Tết năm trước, Jenifer vẫn thấy hãi hùng…

Mới đầu cô cũng vui vẻ khi được đi mua sắm Tết nhưng khi về nhà, mẹ chồng lại bảo thiếu thứ này, thiếu thứ kia mà những thứ đó cô đều không biết nó được bán ở đâu, trông nó như thế nào. Nhà chồng ai cũng bận rộn công việc nên chẳng ai có thể giúp cô đi chợ. Vì thế nên cô cứ phải tự mò mẫm, mua về không đúng lại phải đi đổi.

Đấy là còn chưa kể đến chuyện dọn dẹp ngày Tết. Cô bảo mẹ chồng nên thuê người làm về dọn cho nhanh nhưng mẹ chồng không đồng ý, bà muốn con cháu cùng nhau dọn nhà cho vui. Vui thì chẳng thấy đâu nhưng cô thấy mình bị quay như chong chóng, cứ lo xong công việc ở công ty là lại phải một mình tất bật về nhà kỳ cọ, sắp xếp đồ đạc, trang trí, bày biện đủ thứ không khác gì một người giúp việc.

Có một điều cô thấy kỳ lạ, là ở Việt Nam mọi công việc lo lắng Tết nhất đều do người phụ nữ làm hết, còn đàn ông chỉ lo công việc của họ, thậm chí khi ăn uống xong, họ cũng chẳng phải động tay động chân tới việc gì. Và điều khiến cô thấy khó hiểu nhất là phong tục lì xì Tết của người Việt. Mọi người ai cũng nói với cô rằng, lì xì là để tượng trưng, mang đến những điều tốt lành, may mắn cho nhau trong năm mới. Nếu như vậy thì tại sao chồng cô cứ phải đút vào mỗi phong lì xì mấy trăm nghìn, thậm chí mừng cho người lớn đến vài triệu?

Tết năm ngoái, riêng tiền mừng tuổi cũng đã ngốn của vợ chồng cô vài chục triệu. Cô thấy điều đó khác hẳn với ý nghĩa của phong tục lì xì mà cô đã đọc được ở sách, báo, cũng như mọi người nói với cô nói về văn hóa của người Việt.

Dù mới làm dâu được hơn một năm nhưng đến ngày cận Tết, Jenifer lại thấy ác mộng như sắp ập xuống đầu mình.

Dâu ta cũng “hãi”…

Mới lấy nhau được gần hai tháng, chưa kịp tận hưởng hết hương vị của kỳ trăng mật, hai vợ chồng Linh Chi (Ba Đình, Hà Nội) đã phải lo nghĩ việc Tết. Những năm trước cô còn vui vẻ với cuộc sống độc thân, thích gì làm nấy, Tết về với bố mẹ chẳng phải nghĩ ngợi gì, bây giờ mới có gia đình mà Chi đã cảm thấy khác một trời một vực.

Cô tâm sự: “Năm nay thay vì được mọi người lo lắng cho mình thì mình lại phải lo lắng bao nhiêu thứ. Lo mua sắm Tết cho nhà chồng, lo đi Tết nội, Tết ngoại, lo đến tiền mừng tuổi cho con cháu trong nhà, rồi gần nhất là lo việc nấu nướng để cúng bái, rồi làm cỗ khi có khách”.

Chi là người gốc Hà thành, chồng cô là người Nam Định, cả hai đã có nhà cửa đàng hoàng ở Hà Nội nhưng vì là dâu mới nên năm nay bố mẹ chồng ra quyết định “triệu” hai đứa về quê ăn Tết. Là con gái út trong một gia đình có điều kiện nên từ nhỏ đến lớn, cô chẳng phải làm bất cứ việc gì, nhưng giờ đã là phụ nữ của gia đình nên cô không thể từ chối việc nhà, việc làm dâu.

“Ở quê của chồng em ai cũng nghĩ con gái Hà thành chắc phải đảm đang lắm, nhưng kỳ thực là em còn chưa biết làm một mâm cỗ như thế nào” – Chi lo lắng chia sẻ. Cứ tưởng tượng đến khuôn mặt thất vọng của mọi người bên nhà chồng là cô lại nóng ran mặt mày.

Sau bao ngày trăn trở, cuối cùng cô quyết định đi học một lớp nấu ăn cấp tốc. Công việc cuối năm bận rộn, cô lại phải chạy qua chạy lại để học thêm nấu ăn, tập trung cho công việc khiến Chi bị căng thẳng, mệt mỏi.

Cũng phải lo đến chuyện nấu nướng, cỗ bàn như Linh Chi nhưng chị Quyên (Đông Hưng, Thái Bình) lại còn phải nghĩ đến khoản góp Tết với gia đình chồng. Kể từ hồi chị mới về làm dâu đến giờ, năm nào cũng vậy, vợ chồng chị dù có về ăn Tết ở quê hay không cũng phải lo một khoản, gọi là “lễ” cho bố mẹ chồng. Khoản “lễ” ấy bao gồm một giỏ quà Tết, kèm thêm một cái phong bì nhiều thì gần chục triệu, còn ít cũng bằng cả tháng lương của chị. Nếu chỉ có hai vợ chồng son thì còn đỡ nhưng năm nay, chị Quyên mới sinh thêm một bé gái, các khoản chi tiêu cho hai đứa con không hề nhỏ. Lương hai vợ chồng trước còn dư dả được một ít nên tích góp được để cuối năm lo Tết nhất, giờ thì lúc nào cũng thấy thiếu. Vì thế mà cứ ai hỏi chuyện mua sắm Tết, chị lại thấy “sợ”.

Chỉ còn gần chục ngày nữa là đến Tết nhưng không vì thế mà nỗi lo của những nàng dâu vơi bớt đi, ngược lại có khi lại càng tăng lên nhiều phần. Thiết nghĩ lễ Tết là một dịp vui nhưng nên để niềm vui ấy được giản dị, đúng nghĩa và đúng với tinh thần Tết của người Việt. Sự tốn kém, bày biện hoành tráng hay những lễ nghi rườm rà nên được lược giản. Có như vậy mọi người và đặc biệt là những nàng dâu mới không phải sợ hãi những ngày Tết đến.

Ai ai cũng thấy sợ hãi…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0967346068